Vải Địa Kỹ Thuật xuất hiện lần đầu tiên với tên thương mại Bidium vào những năm 60 của thế kỷ trước ở Pháp, nhưng chưa được chú ý và được sử dụng rất ít. Từ sau năm 1975, vải địa kỹ thuật được nhiều nước nghiên cứu hoàn thiện từ khâu chế tạo, phương pháp tính toán và công nghệ thi công.
Vải địa kỹ thuật nhanh chóng được dùng để gia cường nâng cao sức chịu tải và tính ổn định của các công trình xây dựng nói chung và đặc biệt là các công trình nền đất đắp trong xây dựng các công trình đường ô tô và thủy lợi.
Vào thập niên 80 của thế kỷ trước vải địa kỹ thuật được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á: Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Malaysia, Brunei…
Ở nước ta năm 1993 vải địa kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng trong dự án nâng cấp QL5 (Hà Nội – Hải Phòng) do Công ty Tư vấn Thiết kế KEI – Nhật Bản thiết kế với trên 500.000 m2 vải địa kỹ thuật rất có hiệu quả để xử lý nền đường đắp trên nền đất yếu.
Và từ 1995 cho đến nay vải địa kỹ thuật đã được dùng rất nhiều với các chức năng khác nhau ở nhiều dự án xây dựng đường như các dự án nâng cấp QL1, QL10, QL18, QL3, QL51, QL32, QL38, QL39 và trong các dự án xây dựng đường cao tốc như: Đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương, Đại lộ Thăng Long (từ Láng đi Hòa Lạc, Hà Nội), Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cao tốc Giẽ – Ninh Bình, Cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Cao tốc Long Thành – Dầu Giây và Cao tốc Bến Lức – Long Thành …
Chỉnh sửa hình ảnh và tham khảo từ nguồn: Luận án tiến sỹ kỹ thuật – Huỳnh Ngọc Hào – Trường ĐH Giao Thông Vận Tải – Hà Nội – tháng 06/2014 – Tailieu.vn