Vào thập niên 80 của thế kỷ trước Vải địa kỹ thuật được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á: Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Malaysia, Brunei… Ở nước ta năm 1993 Vải địa kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng trong dự án nâng cấp QL5 (Hà Nội – Hải Phòng) do công ty tư vấn Thiết kế KEI – Nhật Bản thiết kế với trên 500.000 m2. Vải địa kỹ thuật rất có hiệu quả để xử lý nền đường đắp trên nền đất yếu. Và từ 1995 cho đến nay Vải địa kỹ thuật đã được dùng rất nhiều với các chức năng khác nhau ở nhiều dự án xây dựng đường & xây dựng, dưới đây là một số công trình xây dựng tại Việt Nam sử dụng vải địa kỹ thuật:
- Vải địa kỹ thuật với chức năng làm lớp ngăn cách
Dự án nâng cấp QL5 vào những năm 1993-1994, mở rộng mặt đường cũ thêm 20 mét đất đắp trên nền yếu. Hãng tư vấn thiết kế Nhật Bản KEI đã thiết kế cho đào bỏ 50cm phần đất yếu, trải một lớp Vải địa kỹ thuật không dệt làm chức năng ngăn cách, sau đó mới đắp đất từng lớp cho đến chiều cao thiết kế – Hình 1.17
Cũng với chức năng ngăn cách của Vải địa kỹ thuật, hệ thống đường giao thông trong khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (TP Hà Nội), trước khi rải các lớp cấp phối đá dăm người ta cho trải một lớp Vải địa kỹ thuật để ngăn cách với nền đắp cát bên dưới nhằm ngăn cách sự trộn lẫn giữa cát và lớp đá dăm dễ dẫn đến mất ổn định mặt đường. Với chức năng này Vải địa kỹ thuật cũng đã được sử dụng trong khi nâng cấp các QL5, QL1, QL10, QL18 và một số loại các đường cao tốc như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh – Trung Lương; Giẽ – Ninh Bình; Nội Bài – Lào Cai; Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Thái Nguyên…
Ngoài ra Vải địa kỹ thuật cũng được sử dụng trong các bãi rác nhằm làm phân cách giữa đất và các lớp rác phế thải như lót đáy bãi rác Tam Tân ( Củ Chi, TP.HCM năm 2011), bãi rác huyện Bố Trạch (Quảng Bình), bãi rác huyện An Nhơn (Bình Định), bãi rác thành phố Hưng Yên …
Nguồn: Luận án tiến sỹ kỹ thuật – Huỳnh Ngọc Hào – Trường ĐH Giao Thông Vận Tải – Hà Nội – tháng 06/2014 – Tailieu.vn