Top các công trình xây dựng tại VN sử dụng vải địa kỹ thuật (phần 2)

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước Vải địa kỹ thuật được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước như Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á: Thái Lan, Philippin, Inđônêxia, Malaysia, Brunei… Ở nước ta năm 1993 Vải địa kỹ thuật lần đầu tiên được sử dụng trong dự án nâng cấp QL5 (Hà Nội – Hải Phòng) do công ty tư vấn Thiết kế KEI – Nhật Bản thiết kế với trên 500.000 m2. Vải địa kỹ thuật rất có hiệu quả để xử lý nền đường đắp trên nền đất yếu. Và từ 1995 cho đến nay Vải địa kỹ thuật đã được dùng rất nhiều với các chức năng khác nhau ở nhiều dự án xây dựng đường & xây dựng, dưới đây là một số công trình xây dựng tại Việt Nam sử dụng vải địa kỹ thuật:

Xem phần 1 tại đây

2. Vải địa kỹ thuật với chức năng gia cường nền đắp trên đất yếu

Vào những năm 2000-2003, trước khi xây dựng đường đắp tuyến Trới – Vũ Oai [40], đường cấp III đồng bằng (Quảng Ninh), chủ trì thiết kế đã dùng 2, 3 lớp Vải địa kỹ thuật vừa làm lớp ngăn cách vừa làm nhiệm vụ gia cường cho nền đường đắp trên đất yếu, có chiều cao đắp từ 1 ÷ 1,5m. Khoảng cách giữa các lớp Vải địa kỹ thuật thay đổi từ 30 ÷ 35cm.

Cũng vào những năm 2002, trên QL1 đoạn tránh thành phố Vinh[39] chủ trì thiết kế đã dùng Vải địa kỹ thuật làm lớp ngăn cách giữa đất yếu ở độ sâu đào 80cm và cát đổ lên trên sau đó tiếp tục sử dụng 3 lớp Vải địa kỹ thuật nữa, mỗi lớp cách nhau 40cm để gia cường phần nền đào (80cm) và phần nền đắp cao 4 ÷ 5m.

Hai công trình này đã khai thác đến nay (2013) được trên 10 năm, chất lượng rất tốt. Đây cũng là các công trình sử dụng Vải địa kỹ thuật để xử lý nền đắp trên đất yếu lần đầu tiên ở Việt Nam, thi công đơn giản, giảm giá thành xây dựng. Hai công trình này làm tiền đề tốt cho việc sử dụng Vải địa kỹ thuật để gia cường nền đắp trên đất yếu cho nhiều dự án xây dựng đường khác như đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, Giẽ – Ninh Bình, Hà Nội – Thái Nguyên, Nội Bài – Lào cai …

Vải địa kỹ thuật dệt được sử dụng rất nhiều trong lĩnh vực cầu

3. Vải địa kỹ thuật với chức năng chống xói mòn mái taluy

Khi xây dựng nền đắp bảo vệ bờ biển ở Bãi Cháy – Quảng Ninh, Vải địa kỹ thuật được dùng để trải trên bề mặt taluy nền đắp, rồi đặt lên đó những viên đá hộc dạng gạch bê tông xi măng nhằm chống xói mòn do áp lực dội đập của sóng. Ngoài ra Vải địa kỹ thuật cũng đã được dùng để bảo vệ, gia cố mái taluy hồ chứa như hồ chứa công viên trung tâm TP Lào Cai (được thiết kế năm 2000 do Sở GTVT Lào Cai làm chủ đầu tư), hai hồ điều tiết ở Trung tâm Hội nghị quốc gia – Hà Nội do Tư vấn Đức thiết kế cũng đã sử dụng Vải địa kỹ thuật làm lớp bảo vệ chống xói mòn.

Dự án nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội – Lạng ơn do MU18 đại diện chủ đầu tư, trên các đoạn dẫn vào cầu Phù Đổng (Sông Đuống), cầu Như Nguyệt (Sông Cầu), cầu Xương Giang (sông Thương), người ta cũng đã sử dụng Vải địa kỹ thuật để làm lớp bảo vệ chống xói mòn hai bên mái sông ở thượng – hạ lưu của ba cầu này.

4. Vải địa kỹ thuật được dùng thay vật liệu tầng lọc ngược

Trên QL1 qua cầu Tân Thịnh – Thị trấn Vôi (Lạng Giang, Bắc Giang) đoạn nối giữa cầu Tân Thịnh và cầu vượt đường sắt (QL1 cũ) dài 80m, người ta xây dựng tường chắn bê tông cốt thép có chiều cao H = 7,2m vào năm 1998. Ở đáy tường chắn phía bên trong nền đắp đã được đổ sỏi rồi phủ lên đó một lớp Vải địa kỹ thuật trước khi đắp nền nhằm thay thế vật liệu tầng lọc ngược để thoát nước ở chân tường chắn.

Nguồn: Luận án tiến sỹ kỹ thuật – Huỳnh Ngọc Hào – Trường ĐH Giao Thông Vận Tải – Hà Nội – tháng 06/2014 – Tailieu.vn